Nguyên nhân sự suy vong của Vương quốc Chăm Pa Sự suy vong của Vương quốc Chăm Pa

  • Chính sách mở rộng bờ cõi của vua chúa Việt:

Nếu chiến tranh của Chăm Pa chống nước láng giềng là chiến tranh "chinh phạt" để làm suy yếu đi sức mạnh quân sự và chính trị của phe địch, thì đối với Đại Việt, ý niệm về chiến tranh hoàn toàn đối ngược. Chiến tranh không chỉ nhằm mục tiêu chinh phạt phe địch đơn thuần mà theo đó là chiếm lấy tài sản và đất đai về quốc gia của mình.[23]

  • Làn sóng di dân người Việt:

Do thiếu đất đai để canh tác, dân Việt tràn xuống phía nam, tức Chăm Pa. Từ thế kỷ thứ 17, chúa Nguyễn kêu gọi dân Việt xung phong vào đội ngũ khai khẩn đất hoang ở khu vực biên giới phía nam của mình. Họ vừa làm dân, vừa làm chiến sĩ để phòng thủ đất đai chống lại sự quấy nhiễu của Chăm Pa ở biên giới. Chúa Nguyễn cũng khuyến khích dân Việt vượt biên giới tràn sang Chăm Pa khai thác những khu đất hoang mà dân bản xứ Chăm Pa không canh tác. Sau đó, họ bắt đầu khai thác những khu vực phì nhiêu hơn do dân bản xứ bán nhượng lại cho họ. Lợi dụng sự hiện diện của người Việt trên lãnh thổ Chăm Pa, chúa Nguyễn bắt đầu can thiệp vào nội bộ của vương quốc này với danh nghĩa là bảo vệ quyền lợi cư dân người Việt. Sau đó, chính những cư dân Việt này tham gia vào các cuộc chiến tranh với Chăm Pa

  • Hậu quả các cuộc nội chiến giữa dân tộc Việt:

Trong cuộc Nam bắc phân tranh giữa chúa Trịnh và chúa Nguyễn, để tiến quân chống chúa Trịnh phương bắc, chúa Nguyễn đã phát động phong trào Nam Tiến về phía nam, tức là về phía lãnh thổ Chăm Pa để củng cố thế lực quân sự và kinh tế của mình.

Cuộc nội chiến giữa Tây Sơn và Nguyễn Ánh đã biến lãnh thổ Chăm Pa (khu vực Phan Rang và Phan Rí) thành bãi chiến trường đẫm máu trong vòng 30 năm. Các tầng lớp lãnh đạo Chăm Pa chia thành hai phe nhóm do Tây Sơn và Nguyễn Ánh dựng lên. Khi chiếm Chăm Pa để làm cứ điểm quân sự, Nguyễn Ánh thành lập một chính quyền mới của vương quốc này thân Nguyễn Ánh. Và khi tiến quân vào Chăm Pa, Tây Sơn lại thanh trừng những phần tử người Chăm Pa theo Nguyễn Ánh để rồi thành lập một chính quyền khác thân của Tây Sơn.

  • Mất liên lạc với thế giới:

Trước năm 1471, Chăm Pa là hải cảng quan trọng trên đường hàng hải nối liền biển Nam Hải và Ấn Độ Dương, cũng là nơi tập trung nhiều tàu bè của các thương thuyền quốc tế.Sau khi thất thủ Đồ Bàn năm 1471, thất thủ Harek Kah Harek Dhei (Phú Yên ngày nay) năm 1611, và Nha Trang vào năm 1653, các tàu bè quốc tế không còn ghé bến Chăm Pa nữa. Chăm Pa hoàn toàn bị cô lập không còn đường dây liên lạc với các nước láng giềng kể từ thế kỷ thứ 17.

  • Mỹ nhân kế:

Năm 1301, nhân dịp viếng thăm Chăm Pa, thượng hoàng Trần Nhân Tông hứa gả công chúa Huyền Trân cho Chế Mân để đổi lấy hai châu Ô và Lý (khu vực tỉnh Thừa Thiên). Đối với Chăm Pa đây là món quà sính lễ quá đắt.

Năm Tân Mùi (1631), vua Chăm Pa là Po Romé (1627-1651) kết hôn với công nữ Ngọc Khoa của nhà Nguyễn mà sử liệu tiếng Chăm gọi là Bia Ut (công chúa miền bắc). Theo truyền thuyết của Chăm Pa, Bia Ut đến vương quốc này với một sứ mạng mà nhà Nguyễn đã giao phó, đó là làm thế nào để Po Romé chặt bỏ cây Kraik, biểu tượng cho thần quyền trấn giữ vương quốc này. Còn theo các học giả Chăm Pa, Bia Ut đến Chăm Pa làm gián điệp, nhằm báo cáo cho nhà Nguyễn biết mọi chi tiết liên quan đến tổ chức chính trị và quân sự của quốc gia này. Sau khi nhận đủ tin tức, nhà Nguyễn xuất quân tấn công Po Romé. Trong cuộc chiến này, Po Romé bị quân nhà Nguyễn vây bắt đem nhốt trong rọ sắt để khiêng về Thuận Hóa.

  • Thể chế liên bang lỏng lẻo:

Trong khi Đại Việt là một thể chế quân chủ tập quyền thì Chăm Pa không phải là quốc gia thống nhất, trung ương tập quyền, mà là một vương quốc liên bang lỏng lẻo với năm tiểu vương quốc đó là Indrapura, Amaravati, Vijaya, KautharaPanduranga. Mỗi tiểu vương quốc có vua chúa riêng, hành chánh riêng và cách điều hành riêng. Cơ cấu tổ chức này không phát huy mạnh được ý thức hệ đoàn kết của một dân tộc và thường làm suy yếu đi tiềm năng quân sự của quốc gia một khi vương quốc này bị tấn công bởi một nước láng giềng.